khi còn bé, ra sông Đà, mình thường tưởng tượng sông bắt đầu từ thủy điện mà ra.
tưởng tượng ngây thơ ấy bắt nguồn từ thực tế rằng, công trình thủy điện lớn tới nỗi mình chẳng bao giờ được thấy phần còn lại của nó.
lớn lên, mình mới hiểu được nước từ sông là từ hồ thủy điện mà ra, mà nước từ hồ thủy điện thì lại từ thượng nguồn sông Đà.
lớn thêm nữa, mình hiểu được rằng thủy điện hoạt động được là nhờ có nước từ sông chảy vào turbine, làm quay nam châm bên trong tổ máy và tạo ra điện. thế nhưng, nam châm này lại phải là nam châm điện. không phải nam châm vĩnh cửu, mà bắt buộc phải là nam châm điện, vì nam châm “vĩnh cửu” sẽ mất tính từ trường theo thời gian (nói cách khác, nó sẽ không còn là “vĩnh cửu” nếu người ta cứ dùng nó, thật ngược đời nhỉ?)
lớn nữa rồi, mình hiểu thêm được rằng dù có nhiều nhà máy điện, tất cả các nhà máy đều phải “đồng bộ” một tần số với nhau (thường là 50Hz hay 60Hz) trước khi có thể hòa vào mạng điện quốc gia. hóa ra, việc “nối” nhà máy phát điện vào với mạng điện không chỉ đơn giản – “nối” phát là vào.
vậy đó, đi một vòng dài lan man, cuối cùng chỉ để hiểu rằng kho tàng lớn nhất của mình có lẽ là sự tò mò. khởi điểm của kiến thức không phải là bạn cầm một cuốn sách lên và đọc nó. khởi điểm của kiến thức, là khi bạn nhận ra một điều gì đó bạn chưa biết.