“Ở đây có thực sự cần một đoạn nhạc không?„


Tại sao phải là âm nhạc chứ không phải là một âm thanh nào khác?

Trong hội họa, người ta có thể vẽ trên nhiều chất liệu và sử dụng các nguyên liệu khác nhau để tạo nên màu sắc. Đối với podcast, do đặc thù của “phương tiện truyền tải” là âm thanh, nên việc tử nghiệm các nguồn âm thanh khác nhau, cũng như cách hòa trộn chúng lại là điều quan trọng. Một sự phối trộn nhịp nhàng có thể giúp tái tạo lại không gian, ký ức và cảm xúc đối với thính giả.

Âm thanh ở đây không chỉ giới hạn về giọng đọc hay âm nhạc, mà còn có thể mở rộng ra cả âm thanh của môi trường xung quanh: tiếng mưa, tiếng sóng biển, tiếng con mèo grừ grừ khe khẽ, hay thậm chí là một khoảng lặng không có tiếng động gì cả.

“Vậy giờ, bạn chắc chắn bạn cần một đoạn nhạc chứ?„


Khi bạn đã chắc chắn rằng mình cần một đoạn nhạc, giờ sẽ đến phần “chọn bài gì?”

Để trả lời câu hỏi này, mình thường thử giải đáp các thắc mắc cụ thể hơn:

  • Cần để ý gì về chính bản nhạc (score)?
  • Hoà âm của bài hát gồm những nhạc cụ gì?
  • Vị trí của bài hát về thời gian (ở đầu, xuyên suốt hay ở cuối), và về chức năng (nhạc chính hay nhạc nền)

Bản nhạc được cấu tạo bởi những thành phần nào?

Một bản nhạc thường có 2 tính chất căn bản như:

  • Giọng: trưởng hay thứ? Thường thì giọng trưởng sẽ mang lại cảm giác vui tươi, lạc quan, còn giọng thứ mang cảm giác buồn, lưu luyến.
    Tất nhiên phần này phải luyện tập thì mới có thể phân biệt được, hoặc đơn giản hơn thì bạn có thể tìm hợp âm của bài hát trên hopamchuan, và nhìn vào hợp âm đầu tiên của bài.
  • Tiết tấu: việc sử dụng tiết tấu nhanh hay chậm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mình có thể lấy ví dụ như tiết tấu nhanh với giọng thứ có thể tạo ra cảm giác đen tối, ám ảnh (như các bản études mineur của Chopin). Tiết tấu vừa phải, với giọng trưởng sẽ tạo cảm giác thư thái, thoải mái…

Ví dụ như với các bản nhạc mở đầu podcast, mình thường chọn những bài viết trên giọng trưởng với tiết tấu vừa phải, thư thái, tạo nên tính trung lập. Ở giữa, tùy vào hoàn cảnh, mình có thể sử dụng thêm các bài giọng thứ để biểu đạt cảm giác buồn, nuối tiếc,…

Hoà âm của bài hát gồm những nhạc cụ gì?

Mỗi nhạc cụ có một nét riêng, tạo nên cảm xúc riêng biệt. Một vài nhạc cụ mình hay chọn cho podcast:

  • Piano thường sẽ “trung tính”, tức có thể tái tạo nhiều cảm xúc khác nhau. Ngoài ra, do âm thanh tạo ra từ piano thường khá “mềm”, ít bị lẫn với tiếng người nói, nên piano thường thích hợp để làm các đoạn nhạc nền.
  • Guitar
    • Guitar acoustic: đem lại cảm giác thư thái, có phần hiện đại. Đây cũng là loại guitar được sử dụng phổ biến đối với nhạc trẻ
    • Classical guitar: hay còn gọi là guitar cổ điển, chắc chắn sẽ mang lại cảm giác vintage, có phần hơi trầm
    • Ukulele: mang lại vui tươi. Nghe “Lo xa” của Tiên Tiên thì hiểu mà 😉
  • Violin / Viola / Cello đem lại cảm xúc da diết, lắng đọng
  • Harp, loại đàn lớn hay xuất hiện trong hình ảnh các thiên thần
  • Kalimba, nghe âm thanh giống như hộp âm nhạc (music box)
(nhiều chữ quá, đặt tạm cái ảnh cho vui)

Vị trí của bài hát về thời gian và về chức năng

Về thời gian, với các phần “thông tin” của podcast, ví dụ đoạn giới thiệu hay kết thúc, mình hay chọn những bài mang tính trung lập, có phần vui tươi, trẻ trung. Như vậy, người nghe sẽ có cảm giác tích cực. Đây cũng là một cách để mình tạo tính phân tách giữa các phần nội dung chính – phụ.

Ví dụ, các bài hát giọng trưởng chơi trên guitar hay ukulele, với tiết tấu vừa phải, sẽ phù hợp để mở đầu hay kết thúc podcast. Chẳng hạn, trong số podcast MLGT #8, mình sử dụng một đoạn trong bài “Không còn mùa thu”: https://www.youtube.com/watch?v=s90X3j0N3BI

Ở phần nội dụng, tùy theo cảm xúc, mình sẽ chọn piano solo hoặc duo với violin, tùy theo cảm xúc. Ví dụ trong số MLGT #5, mình sử dụng một bản piano giọng thứ kèm với tiếng mưa rơi: https://freemusicarchive.org/music/serge-quadrado

Về chức năng, nếu bài hát được dùng để làm nhạc nền, mình thường sẽ chọn piano với các nốt không quá cao, lý do là để tránh bị lẫn với tần số tâm thanh của MC đang nói. Ví dụ một bài piano “đều đều” thế này sẽ phù hợp để chạy cùng giọng đọc: https://freemusicarchive.org/music/serge-quadrado/serge-piano/the-river-song

Ngược lại, nếu sử dụng âm nhạc để chuyển giữa các phần trong 1 podcast, mình hay dùng cả một đoạn bài hát hoàn chỉnh. Ví dụ, trong MLGT #5, mình dùng đoạn đầu của “Mùa thu cho em”: https://www.youtube.com/watch?v=yMXTUHO3i-U

“Vậy giờ, bạn vẫn sẽ chọn một bài hát chứ?„

160 Posts

Một con mèo thích thơ ca và nhạc họa; Mong muốn được làm bạn với hoa