Bằng cách đặt những câu từ đau đớn nhất ở cuối truyện, phải công nhận rằng Higashino Keigo thật khéo léo trong việc khuấy động và làm ngân vang cảm xúc đó.

Câu trên vừa là một lời khen và cũng vừa là một lời phàn nàn. Ngày xưa thì mình thích những câu chuyện kết thúc không có hậu, ví dụ như Rừng Na Uy chẳng hạn. Nhưng thời gian trôi qua (có khi mình già rồi chăng?), dần dần mình cảm thấy đọc sách như một cách để đắm mình vào một thế giới tươi đẹp hơi, nơi mà mình có thể tùy hứng lý tưởng hóa một nhân vật hay một khung cảnh theo cách của riêng mình.

Phía sau nghi can X mang những hình ảnh nhỏ nhưng lại khiến mình dễ dàng lý tưởng hóa: những người vô gia cư với cuộc sống như chiếc đồng hồ, nhân vật Galiléo với nụ cười bí ẩn, cô con gái Misato có phần ương ngạnh nhưng lại nhất quyết bảo vệ cuộc sống của hai mẹ con,…

[Disclamer: Nếu bạn chưa đọc Phía sau nghi can X, xin đừng đọc phần tiếp theo]

Tác giả cũng để lại một chi tiết trong mà mình cứ suy nghĩ mãi, đó là việc Ishigami đã phải giết một người vô gia cư tên là “Kỹ sư” để thế chỗ cho vụ án Togashi mà anh ta muốn che dấu. Không phải vô tình mà tác giả lại đặt tên cho người vô gia cư đó là “Kỹ sư”. Ở đây, có một vài điểm đáng chú ý:

  • Kỹ sư vốn là một ngành thiên về tự nhiên, gắn với toán học, những con số và những biểu thức. Nói một cách đầy đủ hơn, người kỹ sư là người có thể áp dụng những kiến thức khô khan về toán học, vật lý, hóa học,… để mang lại lợi ích cho cuộc sống con người.
  • “Kỹ sư” ở đây là một người vô gia cư, chứng tỏ rằng tác giả ngầm nói tới cách mà xã hội đó đón nhận người kỹ sư: bỏ tiền và thời gian, công sức ra để học bao nhiêu thứ, để cuối cùng thì triển vọng về nghiệp không có, tương lai chẳng tới đâu. Tuy chưa xác nhận được điều này có chính xác, ít nhất trong bối cảnh lịch sử tại Nhật Bản hay không, nhưng theo như cách chính Ishigami nhìn nhận về cuộc đời của anh ta, thì mình lại càng cảm thấy suy nghĩ này có phần đáng tin hơn.
  • Chính Ishigami và “Kỹ sư” đều có cái gốc tự nhiên. Nghĩ cho cùng, số phận của Ishigami cũng không khác “Kỹ sư” kia là bao: không được xã hội công nhận và trọng dụng tài năng của mình. Chi tiết Ishigami giết “Kỹ sư” gián tiếp nói rằng anh ta sẵn sàng phản bội lại một người “đồng hoàn cảnh” với mình. Mà sự phản bội này bắt nguồn từ đâu? Chắc chắn là tình yêu rồi.

Một điều nữa mà mình nhận ra sau khi đã đọc 3 truyện của Higashino Keigo, đó là mỗi truyện đều chỉ có một (và chỉ một) điều viễn tưởng duy nhất. Cũng không chắc có phải truyện nào của Higashino Keigo cũng như vậy không, nhưng mình coi đó là một sự tinh tế đáng khâm phục.

160 Posts

Một con mèo thích thơ ca và nhạc họa; Mong muốn được làm bạn với hoa