Cách đây khoảng một năm rưỡi, mình bắt đầu viết thư tay một cách nghiêm chỉnh.

Là một người làm về công nghệ thông tin, trước đây, mình không mấy khi muốn động vào giấy bút hay những thứ cắt dán thủ công. Công việc của mình, ngoài lập trình ra thì sử dụng photoshop. Mình nghĩ vậy là đủ. Tới một thời điểm, mình thấy mọi thứ chẳng còn ý nghĩa gì nữa, mất định hướng vào tương lai. Vào lúc đó, mình thử nhiều cách để “vực dậy” bản thân. Việc viết lách cũng là một trong số đó, nhưng mình nghĩ sẽ hay hơn nếu mình làm thế nào để người khác có thể phản hồi hoặc đưa ra nhận xét với những gì mình viết. Và thế là mình quyết định viết thư tay.

Sau khi viết một thời gian, mình mới cảm nhận được nhiều lợi ích khác mà việc viết thư tay mang lại, ví dụ như cải thiện khả năng ngôn ngữ, luyện chữ viết, và quan trọng hơn cả, mình có một cách để bày tỏ sự tôn trọng, sự chân thành riêng, một nét đặc trưng trong “văn hóa cá nhân”.

Bắt đầu viết không khó như bạn nghĩ

Giai đoạn bắt đầu viết một bức thư tay có lẽ là phức tạp nhất. Phức tạp có lẽ không phải là vì nó khó, mà năm ở việc làm thế nào để bạn có cảm hứng.

Cũng giống như vẽ, đàn, hát,… viết thư tay cũng có thể coi như một lại hình nghệ thuật. Mà làm nghệ thuật thì cần có cảm hứng. Hồi đầu, khi viết thư tay, mình thường đặt câu hỏi rằng “viết gì bây giờ?” hay “viết gì cho dài dòng, ý nghĩa một chút?”. Tuy nhiên, câu trả lời là, bạn đừng quan tâm, hãy viết gì bạn nghĩ. Mình nghĩ rằng thư tay là một cách rất tốt để kể những câu chuyện lặt nhặt xảy ra xung quanh, những quan sát, hay những cảm xúc vụn vặt cũng có thể là một chủ đề hay. Và hơn nữa, một bức thư tay không nhất thiết phải xoay quanh một chủ đề cố định. Bạn được phép viết vu vơ về con mèo nhà bạn, rồi sau đó chuyển sang chủ đề về cái xe đạp màu xanh, chẳng sao cả, chẳng có phần nào trong SGK văn cấm bạn làm vậy.

Tất nhiên, mình cũng sẽ để ra một vài chủ đề để gợi ý cho những ai “lạc lối”:

  • Viết về buổi sáng của bạn thì sao nhỉ? Sáng nay bạn có suýt trễ học không? Có bỏ ăn sáng không? Nếu có, thì do thói quen hay do tối qua bạn thức khuya và sáng không nghe thấy báo thức?
  • Thời tiết hôm nay thế nào? Bạn có ghét nó không? Kiểu thời tiết như vậy khiến bạn nghĩ tới việc làm gì? Nếu hôm nay trời đẹp hơn, bạn sẽ làm gì đặc biệt? Kể về kỷ niệm một ngày trời âm u/nắng đẹp?
  • Tuần này bạn đã làm được việc gì quan trọng? Bạn có khó khăn gì khi hoàn thành công việc đó? Bạn có định thưởng cho bản thân không?
  • Chép lại một đoạn thơ hoặc lời bài hát mà bạn ấn tượng. Hãy giải thích ý nghĩa và vì sao bạn thích đoạn đó. Nếu đó là một bài hát, bạn có thể gợi ý một vài bài khác cùng thể loại.


Mở đầu thư như thế nào?

Nếu bạn muốn mở đầu thư theo chương trình sách giáo khoa thì cứ việc, nhưng mình thường sử dụng những cách tự nhiên hơn như:

  • Đặt một cái tiêu đề dài loằng ngoằng ở đầu, ví dụ “Nghĩ mãi chẳng biết đặt tiêu đề gì, nên để luôn tiêu đề thế này vậy”
  • Lấy random một từ làm tiêu đề, ví dụ “Kubernetes”, sau đó trong thư sẽ giải thích ý nghĩa từ đó.
  • Vẽ một hình gì đó đơn giản (một con thuyền, một bó hoa,…)

Sau đó, mình có thể bắt đầu viết đoạn văn mở đầu thư. Thường thì mình sẽ viết là ngay trước khi đặt bút viết thư, mình đang làm gì, nghĩ gì. Để dẫn giữa các ý, mình thường đệm những câu đơn giản như “lạ thật, tự nhiên tớ nghĩa là…” hay “Viết tới đây, tự nhiên tớ phân vân…”

Trang trí!

Điểm hay nhất của việc thư tay so với việc gửi email hay chat yahoo là đây: bạn có thể trang trí (một cách thủ công) bức thư.

Trang trí có nhiều dạng như: vẽ, tô màu, cắt dán, đính hoa lá cành,…. Bạn thậm chí cũng có thể gửi kèm theo bức thư một tấm ảnh hoặc một tấm thiệp, phần đính kèm này cũng được tính như một dạng trang trí.

Đừng lo kể cả nếu bạn không khéo tay. Có rất nhiều ý tưởng thủ công đơn giản trên Pinterest có thể giúp bạn. Thậm chí như mình, có lần mình đi hái trộm hoa oải hương để đính kèm vào một bức thư. Lần khác thì mình in một trang trong bản Nocturne Op.9 No.2 của Chopin rồi đính kèm.



Lưu ý điều gì?

Tuy việc viết thư tay rất tự do, không có khuôn khổ cố định nào, nhưng mình cũng có một vài điều cần lưu ý, chủ yếu để người đọc cảm thấy được tôn trọng nhất có thể:

  • Nếu bạn viết về một từ ngữ hay ý tưởng chuyên ngành nào đó, hãy giải thích ngay sau khi vừa viết từ đó (hãy để trong ngoặc như thế này)
  • Đừng nên chỉ viết về bản thân. Thi thoảng, có thể đặt ra một câu hỏi để người đọc thư có thể trả lời
  • Cố gắng gạch xóa ít nhất có thể. Điều hay nhất khi viết thư tay đó là bạn không thể xóa dễ dàng như trên máy tính. Khi bạn viết gì ra, đó là cảm xúc thật của bạn.
  • Bạn nên tập trung viết một mạch. Nếu để hôm nay viết một đoạn, mai viết nốt đoạn nữa, cảm xúc sẽ không còn liền mạch. Nếu buộc phải ngừng tay, bạn có thể xin lỗi người đọc ngay trong thư, sau đó viết thêm một bức thư khác nếu ý tưởng vẫn còn đang dở.

Sau đây là một bức thư mình viết cách đây khá lâu. Do phải che các thông tin cá nhân của người nhận, nên mình quyết định sẽ đánh máy lại. Xin đừng đoán mò người nhận là ai.

The Piano

Khi viết bức thư này, bên cạnh em đang là một ly rượu vang trắng. Ánh đèn vàng dịu nhẹ chiếu lên chiếc bàn mà ban sáng em vẫn ngồi làm việc. Chỉ khác là, thay vào ví trí spotlight gồm chuột và bàn phím, thì bây giờ là những con chữ nghiêng ngả theo bản piano du dương của Yiruma. Buổi tối cuối cùng của em tại đây như vậy đó. Chỉ mai thôi là em sẽ lại trở về căn phòng thường ngày, thế là tạm biệt mấy con mèo, tạm biệt khung của sổ mà khi nhìn ra có thể tưởng tượng thấy cả một khi rừng, tạm biệt cây piano màu trắng đáng yêu.

Tại sao em lại kể những thứ lan man này nhỉ. Có lẽ là vì em thích viết. Viết ra mọi cảm xúc, dù cho chúng xấu hay đẹp. Có lẽ vì em yêu cây bút Kakuno có hình mặt cười trên ngòi bút, Và, có lẽ em cũng cần một người lắng nghe. Có một lúc nào đó, em từng ví việc viết thư thế này, giống như em bỏ hết tâm tư vào một chiếc lọ thủy tinh rồi thả ra giữa biển, mong cầu những con sóng sẽ đưa chiếc lọ tới tay một ai đó…

Và khi viết, em còn đối mặt với sự yếu đuối ở sâu thẳm trong em nữa. Em vẫn đang bảo vệ sự yếu đuối đó, vì một lý do đơn giản: nó đẹp. Em dùng sự yếu đối ấy để tô điểm trên những bức vẽ, những vần thơ và những nốt nhạc. Khi đó, em bộc lộ sự thật thà với chính tác phẩm của mình, với chính bản thân mình. Em cảm thấy nét riêng biệt của mình, cái tôi thực sự mà em có trách nhiệm cần nâng niu. Vẻ đẹp của sự yếu đuối, em tin rằng ai cũng có một phần nào đó trong tim. Vậy còn chị, chị có tin như vậy không?

Và, sẽ vui xiết bao nếu em cũng được hiểu thêm về thế giới của chị.

Gửi chị [_],
Spaghetti

160 Posts

Một con mèo thích thơ ca và nhạc họa; Mong muốn được làm bạn với hoa