Đây là chiếc iphone đầu tiên trong đời mà mình được sở hữu. Chị Phương nhượng lại cho mình chiếc iphone 6 plus này.

Năm 2007, Steve Jobs đã làm thay đổi vĩnh viễn khái niệm “smartphone” khi ông giới thiệu chiếc iphone thế hệ đầu tiên. Thời đó, tất cả những mẫu điện thoại khác đều cố gắng đáp ứng nhu cầu của người dùng, ví dụ như người dùng cần nhắn tin thì có mẫu đt với bàn phím vật lý, cần internet thì có mẫu đt với màn hình cảm ứng, với bút để bấm cho dễ,… Cách thiết kế đt này gặp một vấn đề lớn: có quá nhiều mẫu đt, mỗi cái thiên về một tính năng cụ thể, khó lựa chọn, khó dùng. Trong hoàn cảnh đó, Steve Jobs nhảy ra khỏi khuôn khổ về nhu cầu của người dùng, thay vào đó, ông chọn đáp ứng nhu cầu của con người. Hóa ra, “smart” ở đây không nhất thiết phải là nhiều tính năng hay công nghệ. Thiết kế của smartphone nên giải quyết câu hỏi: làm thế nào để giúp đỡ và đồng cảm với người sử dụng? Một vài ví dụ trả lời như sau:

  • Mỗi phần mềm phục vụ một mục đích khác nhau, nên chúng cần có những nút bấm khác nhau. Vậy, hãy bỏ hết các nút bấm vật lý thừa thãi, và xếp chúng gọn gàng vào màn hình cảm ứng.
  • Một cách tự nhiên, chúng ta bấm nút bằng tay chứ không phải bằng một cái que. Vậy, hãy loại bỏ luôn bút cảm ứng. Dùng ngón tay bấm vào màn hình là đủ rồi.
  • Cũng là theo tự nhiên, một thứ không thể đang từ vị trí này mà “bụp” một phát di chuyển sang vị trí kia được. Ngay từ iphone đời đầu, rất nhiều các hiệu ứng động đã được đưa vào.

Những thứ nhỏ nhặt mà tinh tế đó đã khiến chiếc iphone trở nên thân thiện với người dùng. Steve Jobs lấy con người làm trung tâm của thiết kế. Lối suy nghĩ đó đã vĩnh viễn thay đổi thế giới, định hình một tương lai mới cho ngành thiết kế UX/UI.


(Nhân tiện kể lể chuyện ngày xưa)

Tự nhiên nhớ lại, từ hồi nhỏ xíu khoảng 5-6 tuổi gì đó, mình luôn mơ ước được có laptop riêng. Nhưng laptop thời đó đắt, tất nhiên mua để làm việc thôi đã đủ xót tiền rồi, chú chưa nói là mua cho một thằng trẻ con dùng. Lớn hơn chút nữa, khoảng lớp 7 gì đó, mình được sở hữu một chiếc Nokia, và mình bắt đầu nghịch ngợm đủ thứ trò trên chiếc Nokia đó. Ngày vui chỉ kéo dài cho tới khi nó hỏng… mọi người đều đổ tội vì mấy trò nghịch ngợm của mình, thay vì nghe mình giải thích rằng bộ nhớ của chiếc đt đã đủ già và không còn lưu trữ được “cách để vận hành”…

Lên lớp 8, mình được phép chọn một chiếc đt mới. Như bao người khác, mình ao ước có một chiếc iphone, nhưng do nhiều lý do, nên mình ko có quá nhiều lựa chọn. Cuối cùng, mình chọn chiếc samsung galaxy y – chiếc điện thoại android đầu tiên mà mình sử dụng. Nửa engineering trong mình được nuôi dưỡng nhờ những khám phá, nghịch ngợm chiếc samsung này: như root, lập trình java, byte code, linux căn bản,… Nhưng rồi ngày vui cũng tàn. Chiếc samsung hỏng vì mình quăng quật và ném nó vào tường mỗi khi mình quá stress – một thói quen rất xấu mà đến tận bây giờ mình vẫn đang cố loại bỏ. Vậy nhưng, cuối cùng mình vẫn bị kết tội là đã làm hỏng chiếc samsung vì những khám phá, nghịch ngợm kia…

Và thế là, ước mơ có được chiếc iphone của mình càng xa nữa. Thực ra cũng một phần vì mình vẫn thích sự “cởi mở” của android, nên tới khi đã đi làm có tiền tự mua đt, mình vẫn chọn một chiếc đt chạy android (mình đã mua một chiếc xiaomi bằng tiền tự kiếm đc).

Cho tới khi mình được sở hữu chiếc iphone này. Trước đây, iphone vẫn là một thứ gì đó thật xa xỉ đối với mình, không phải vì nó đắt, nhưng vì nó không bao giờ nằm trong số “được phép lựa chọn” mà bố mẹ đặt ra.

Mình đã tự tháo chiếc iphone này ra để thay pin, thay phím nguồn, tự jailbreak để cài spotify (vốn bản ios 12 không cài được). Không phải tự nhiên mà mình biết những điều này. Tất cả những khám phá, nghịch ngợm thời xưa đã mang lại cho mình tất cả những hiểu biết này.

160 Posts

Một con mèo thích thơ ca và nhạc họa; Mong muốn được làm bạn với hoa