Cũng đã lâu rồi mình chưa viết gì lên blog này, một phần vì mình bỏ nhiều thời gian lập trình các hệ thống phục vụ cộng đồng hơn, một phần cũng vì mình bắt đầu có tiêu chuẩn hơi cao với việc viết bài trên blog này. Nhưng tạm gác lại những điều đó sang một bên, có lẽ cứ xắn tay vào viết, lại là một cách hay hơn để bộc lộ cái “tôi” nhỉ?
Nhân nhắc đến cái tôi, từ đợt biết đến ChatGPT (và Large Language Models nói chung), mình hay chợt nhớ tới phân cảnh mà nhân-vật-chính-còn-lại (là Samantha, hệ điều hành giả tưởng) được giới thiệu. Như thế này, đoạn quảng cáo bắt đầu bằng câu hỏi “Who are you?” và kèm theo là hình ảnh quay chậm của những con người đang đi lại, như một cách để nói rằng “giữa những con người đó, giữa khoảnh khắc đó, bạn là ai?”
Chắc chắn rằng ai trong chúng ta đã từng tự hỏi rằng “mình là ai?” Có cố gắng tìm câu trả lời thì cũng chỉ có thể nhìn thấy một góc của vấn đề: khi bạn ở trường học, bạn là một học sinh. Khi bạn ở công ty, bạn là một nhân viên, vào cửa hàng, bạn là khách hàng; ở ngoài đường, bạn là một người đi đường, như vạn người đi đường ngày ngày vẫn bắt tàu, bắt bus, đi bộ và lái xe từ một địa điểm này đến một địa điểm khác.
Để mình thử lật ngược câu hỏi này. Thay vì hỏi rằng “bạn là ai?”, mình sẽ hỏi rằng “đây có phải bạn?“. Giả sử, có một chỗ nào đó trong vũ trụ này ghi lại chi tiết bạn tên là gì, bạn cân nặng bao nhiêu, sở thích là gì, làm nghề gì, đã từng gặp những ai,… Liệu rằng từ “bản ghi” đó, mình có thể làm một cách nào đó để tạo ra một bản sao của bạn?
Nếu câu trả lời là “có”, vậy chăng cái gọi là “cái tôi”, hay “tiềm thức – ý thức” thực ra chỉ là một chuỗi những ký ức được xâu chuỗi nhau, cũng giống như “bản ghi tất cả thông tin về bạn” thực chất là một bản đồ tiềm thức của bạn? Và cuộc sống chẳng qua chỉ là chúng ta trao đổi thông tin với môi trường, với những tiềm thức khác và mục đích cuối cùng là nối dài thêm bản đồ này?
Nếu câu trả lời là “không”, vậy chăng còn một cái nữa cao hơn “cái tôi”, tức có thể “cái đã tạo ra cái tôi” mà chúng ta không có cách nào có thể liên lạc được với “thực thể” đó, hay nói cách khác, gieo tiếp này chỉ là một chiều: thực thể đó tạo nên cái tôi, như một sản phẩm của nó, mà sản phẩm thì không cần phải (hoặc không thể) biết về cái gì đã sản xuất ra nó? Tuy hầu hết các tôn giáo đều hướng con người về niềm tin này, cá nhân mình không thiên về niềm tin đó, đơn giản vì đó là lựa chọn của mình.
Bộ phim “Her” dựa trên giả thiết rằng câu trả lời là “có” – tức tiềm thức thực ra dựa trên trí nhớ và những trải nghiệm của một thực thể – có thể là con người, cũng có thể là máy móc. Nếu giả thiết này là đúng, nó sẽ là con dao hai lưỡi: một mặt, con người có thể tạo ra một thực thể có tính thân thiện và hữu ích, nhất là trong những công việc mà phần mềm truyền thống vẫn chưa thể đáp ứng được. Một mặt, “tiềm thức” hay “cái tôi” có thể có những ý kiến và ý định của riêng nó; như vậy chúng ta vô tình tạo ra một công cụ mà chính chúng ta cũng không hiểu hoàn toàn cách nó hoạt động. Đối với người kỹ sư, đó luôn là một rủi ro.
Who are you? What can you be? Where’re you going? What’s out there? What are the possibilities?